Cấu Tạo Hộp Mực Máy In
05/11/2024
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại hộp mực máy in, của rất nhiều hãng khác nhau như: máy in Canon, máy in HP, máy in Brother, máy in Fujixerox…. Mỗi hãng lại có rất nhiều loại hộp mực khác nhau.
Canon thì có hộp mực 12A dùng cho các máy Canon 2900, hộp mực 49A dùng cho máy canon 3300, hộp mực 35A dùng cho các máy canon 3010; canon 6030, hộp mực 37A dùng cho các máy canon MF221; Canon LBP151; Canon 6230. HP thì dùng chung với Canon các hộp mực 12A, 49A, 35A, ngoài ra còn có hộp mực 83A dùng cho máy2 HP M15A; HP M125, hộp mực 05A dùng cho máy HP P2035, các hộp mực dùng cho các dòng máy đời mới gần đây như hộp mực 17A cho Máy in HP LaserJet Pro MFP M130; HP LaserJet Pro M227, hộp mực 226 dùng cho các máy HP LaserJet Pro 400 M402.
(lưu ý: các dòng máy mới dùng hộp mực 17A hiện nay chưa có mực đổ ngoài thích hợp, giá hộp mực rất cao nên các bạn cần tham khảo kỹ khi mua các dòng máy của HP sử dụng dòng hộp mực này).
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Các thành phần cơ bản của hộp mực máy in Canon 2900
Nhưng dù là hộp mực của hãng nào đi chăng nữa thì cấu tạo của hộp mực máy in cũng đều chia làm hai phần cơ bản, trong đó một phần là cụm trống và phần còn lại là cụm mực, mực in thì được chứa trong cụm mực, còn mực thải thỉ thường được chứa trong cụm trống, các dòng máy in Brother hay máy in Fujixerox thì không có ngăn chứa mực thải.
Cụm trống bao gồm 3 thành phần cơ bản là :
Trống mực
Trống máy in có cấu tạo là một chiếc ống dài khoảng 25-30cm, đường kính khoảng 2,5cm, làm bằng nhôm, được phủ lên trên bề mặt một lớp phim nhạy cảm với ánh sáng, có thể thay đổi điện tích trên bề mặt khi bị ánh sáng chiếu vào. Trống máy in có tác dụng hút các hạt mực in từ trục từ của máy in, sắp xếp các hạt mực trên bề mặt nó để tạo hình bản in trên mặt giấy. Khi trống bị lỗi hoặc bị xước thì bản in sẽ bị bẩn và lem nhem.
Trục sạc (trục cao su, hay còn gọi là trục cao áp)
Trục sạc hay còn gọi là trục cao áp, cấu tạo là một thanh kim loại hình trụ dài khoảng 25cm, được phủ lên trên một lớp cao su có đường kính khoảng 1cm. khi hoạt động nó tiếp xúc trực tiếp với trống của máy in và được đặt vào một điện áp rất cao để sạc lại cho trống máy in ( phủ một lớp điện tích âm lên toàn bộ bề mặt trống). Nếu trục sạc bị hỏng toàn bộ bản in sẽ đen xì.
Gạt mực thải (gạt to)
Gạt mực thải là một thanh kim loại dài như trên hình được gắn lên trên một lưỡi dao bằng silicon, lưỡi dao này có tác dụng gạt bỏ phần mực thừa trên bề mặt Trống máy in và nén chúng vào ngăn chứa mực thải. Khi ngăn chứa mực thải bị đầy, mực thải sẽ bị tràn ra ngoài và làm cho bản in bị bẩn, bị đen.
Cụm mực gồm có 2 thành phần cơ bản là:
Trục từ
Trục từ của máy in có cấu tạo là một trục kim loại có đường kính khoảng 1,2cm, dài khoảng 25cm , làm bằng nhôm có lõi là một thanh nam châm vĩnh cửu. Trục từ có tác dụng hút các hạt mực từ ngăn chứa mực của hộp mực máy in, và khi làm việc thì trục từ sẽ chuyển các hạt mực này sang cho Trống máy in, sau đó Trống máy in lại chuyển tiếp lên trên bề mặt giấy in.
Gạt từ (gạt nhỏ)
Gạt từ có cấu tạo là một thanh kim loại nhỏ được gắn lên một lưỡi dao mỏng bằng silicon. Gạt từ có chức năng để gạt phẳng làm cho các hạt mực phủ đều lên trên bề mặt của Trục từ, tạo thành một lớp mực mỏng có chiều dày khoảng 1 micromet.
Các thành phần mà Tôi đã nêu ra ở trên là toàn bộ các thành phần linh kiện cơ bản nhất của hộp mực máy in Canon 2900, mà hầu hết mọi hộp mực của mọi loại máy in đều có. Các bạn nên biết các linh kiện này để lỡ nếu có phải thay thế linh kiện nào cho hộp mực máy in, còn biết cách gọi tên chúng cho chính xác! 😀